Có thể nói Phạm Duy có thể không phải là một người chồng hoàn hảo, nhưng ông chính là một người cha tuyệt vời. Vì tình yêu của một người cha, ông không muốn các con của mình bước chân vào con đường nghệ thuật đầy trắc trở này, nên đã cấm đoán họ. Nhưng sau khi nhìn thấy được được niềm đam mê mãnh liệt, cùng sự quyết tâm tràn đầy của họ ông đã luôn ủng hộ và âm thầm nâng đỡ. Đằng sau sự thành công của những cái tên như Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo.. chính là bờ vai vững chãi của một người cha.
Nhạc sĩ Phạm Duy
Ông phân loại cả những ca khúc sáng tác của mình ra theo những chủ đề riêng. trong đó có 2 thể loại ông viết chỉ để dành riêng cho con gái là “Bé ca” và “Nữ ca”. Tuổi Ngọc là bài hát ông sáng tác cho con gái lớn Thái Hiền. đây cũng là bài hát nổi tiếng nhất trong chuỗi bài thuộc thể loại Nữ ca của ông.
Ca sĩ Thái Hiền (con gái nhạc sĩ Phạm Duy)
Ca khúc này được ông sáng tác vào năm 1973, để hưởng ứng công việc của tờ báo “Tuổi Ngọc”. Ông viết bài này để dành riêng cho những thiếu nữ lứa tuổi “ô mai” và ông cũng lấy luôn tên tờ báo đó để đặt tựa đề cho bài hát:
“Xin cho em, một chiếc áo dài
Cho em đi, mùa Xuân tới rồi
Mặc vào người rồi ra
Ngồi lạy chào mẹ cha
Hàng lụa là thơm dáng tiểu thư
Xin cho em, một chiếc áo mầu
Cho em đi nhẹ trong nắng chiều
Một chiều nhiều người theo
Ở ngoài đường, trên phố
Và lòng người như áo phất phơ
Xin cho em một chiếc áo như mây hồng !
Xin cho em một chiếc áo như mây hồng !
Mời quý vị nghe ca sĩ Thái Hiền hát ca khúc "Tuổi Ngọc" (thu âm trước 1975):
Bấm vào để nghe ca sĩ Thái Hiền hát ca khúc "Tuổi Ngọc" (thu âm trước 1975)
Cái tuổi ô mai mới lớn tràn đầy sự hồn nhiên, sự vui tươi ấy hiện ra trong từng câu từ của lời hát. Cái tuổi đã biết e thẹn, đã muốn làm duyên ấy chỉ muốn xin “một chiếc áo dài” để mà “thơm dáng tiểu thư” trong mắt mẹ cha. Rồi xin thêm “một chiếc áo mầu” để “cho em đi nhẹ trong nắng chiều”, để “lòng người như áo phất phơ”. Chỉ những thứ đơn giản như vậy thôi đã khiến lòng vui như mùa xuân tới. Khiến cho sức sống tươi trẻ ấy cũng lan truyền đến trong tâm hồn của mỗi chúng ta. cái tuổi ấy ai mà chưa từng trải qua.
Cũng xin thêm “một mớ tóc dài” để “cho em phơi ngoài hiên nắng rọi”. Ôi thật đẹp biết bao hình ảnh người con gái xưa với những tà áo dài, với những mái tóc dài bồng bềnh như suối chảy, êm đềm và mềm mại biết bao. Đúng mộng này chính là mộng “thần tiên” khiến người đời không thể nào ngừng “quyến luyến” “những bóng dáng quen” của những ngày ấy.
Xin cho em một mớ tóc dài
Cho em phơi ngoài hiên nắng rọi
Rụng một vài sợi thôi
Còn lại một con suối
Dòng mượt mà buông xuống chùm vai
Xin cho em một mớ tóc nồng
Êm như nhung, để em gối mộng
Mộng này là thần tiên
Mộng và người quyến luyến
Và chập chờn những bóng dáng quen.
Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn !
Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn !
Mời quý vị nghe ca sĩ Ninh Cát Loan Châu hát ca khúc "Tuổi Ngọc":
Bấm vào để nghe ca sĩ Ninh Cát Loan Châu hát ca khúc "Tuổi Ngọc"
Rồi cái tuổi còn cắp sách đến trường ấy lại mơ mộng còn được “một xe đạp” xinh xinh “để em đi học”. Dù cho có “đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe” đi chăng nữa, thì vẫn rất hạnh phúc, rất yêu quý “từng kỷ niệm êm ái” đó, vì nó sẽ được “chở về đầy trên chiếc xe” xinh xinh với những vòng quay miệt mài ấy.
Xin cho em còn một xe đạp
Xe xinh xinh, để em đi học
Từng vòng, từng vòng xe
Là vòng đời nhỏ bé
Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe
Cho em leo từng con dốc dài
Cho em xuôi về con dốc này
Rồi một ngày mai đây
Từng kỷ niệm êm ái
Chở về đầy trên chiếc xe này !
Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!
Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!”
Có lẽ vì cái sự trong sáng tinh khôi ấy, cái hồn nhiên đầu đời ấy. Và cả những cảm xúc rung động đầu tiên trong cuộc đời ấy, chỉ với một tà áo dài, một dòng tóc dài, và những vòng xoay của chiếc xe đạp ngày ấy. Chúng ta của ngày ấy, ai đã từng trải qua thì không bao giờ, không bao giờ có thể quên được. Nên Tuổi Ngọc tại thời điểm này như là một hồi ức tươi đẹp trong tâm hồn của những bậc đi trước, và như là một câu chuyện kể bồi hồi của họ cho thế hệ con cháu. Nên cũng dễ hiểu là đến tận bây giờ Tuổi Ngọc vẫn sống động, vẫn xinh tươi như thế, dù đã gần tròn 50 năm tuổi.